Viêm màng não là một căn bệnh liên quan đến tình trạng viêm màng bảo vệ não và tủy sống của con người. Có nhiều lý do dẫn đến căn bệnh này ở trẻ em, nhưng các triệu chứng thường giống nhau. Thực tế là chúng ta khó có thể nhận biết được các triệu chứng của bệnh viêm màng não ở trẻ em và đây cũng chính là nguyên nhân chính khiến trẻ không được điều trị kịp thời. Vì vậy, ngay khi bé có một vài triệu chứng đầu tiên, mẹ phải có kiến thức để nhận biết các dấu hiệu của bệnh. Hãy cùng hcasp.com tìm hiểu về căn bệnh này cũng như cách phòng bệnh hiệu quả nhất cho trẻ qua bài viết dưới đây nhé!
Mục Lục
Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm màng não
Bệnh viêm màng não là bệnh nhiễm trùng, viêm lớp màng bao bọc phần não. Bệnh do các loại siêu vi trùng, vi trùng, vi khuẩn lao,… gây ra. Bệnh thường lây nhiễm qua đường hô hấp. Đặc biệt là khi tiếp xúc và hít phải chất tiết lúc người bệnh ho hay hắt hơi. Từ đó, các loại vi trùng này sẽ xâm nhập vào cơ thể và theo máu tấn công màng não. Sau đó sẽ khiến màng não bị tổn thương và gây ra bệnh viêm màng não.
Bệnh thường phát triển trong thời tiết nắng nóng. Bởi vì thời tiết nóng bức tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng phát tán. Hơn nữa, còn do thói quen sinh hoạt và vệ sinh cơ thể không đúng cách. Bởi nó sẽ khiến trẻ bị nhiễm siêu vi đường hô hấp, dẫn đến căn bệnh viêm màng não.
Triệu chứng của bệnh viêm màng não ở trẻ em
Trong vòng 24 giờ sau khi mắc bệnh, người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, một số trẻ khác có triệu chứng trễ hơn. Bệnh có thể biểu hiện sau 24 giờ hoặc trong vòng 7 ngày sau khi nhiễm bệnh. Ở những trẻ đang điều trị các bệnh khác bằng thuốc kháng sinh thì triệu chứng của bệnh viêm màng não sẽ tiến triển chậm và ít nặng nề hơn. Một số triệu chứng thường gặp nhất là nhức đầu, sốt cao, đau gáy, ăn kém, cổ cứng, buồn nôn, nôn, ho, đau họng, sổ mũi,… Ngoài ra, nhiều bé còn có thể xuất hiện triệu chứng co giật, rối loạn ý thức, sợ ánh sáng, đau và sưng ở các khớp hoặc thậm chí còn bị nổi ban ở các bộ phận trên cơ thể.
Biến chứng của viêm màng não ở trẻ em
Trẻ mắc viêm màng não nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ gặp phải các biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng nặng nề về sau. Cụ thể:
- Tổn thương dây thần kinh sọ não: viêm màng não mủ có thể gây tổn thương đến các dây thần kinh sọ não số II, III, IV, VI, VII, VIII,…
- Biến chứng áp xe não, áp xe màng cứng, các ổ tụ mủ dọc huyết quản, viêm tắc tĩnh mạch, viêm quanh mạch máu não,…
- Tắc nghẽn dịch não tủy và dày dính màng não gây cản trở lưu thông dịch não tủy, hội chứng não nước,…
- Các biến chứng ngoài hệ thần kinh thì tùy theo nguyên nhân gây viêm màng não ở trẻ. Ví dụ như: vi khuẩn có thể gây ra sốc độc tố, xuất huyết phủ tạng (gặp trong nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do màng não cầu), viêm khớp, viêm nội tâm mạc, viêm ngoại tâm mạc, viêm thận, viêm phổi,…
Bên cạnh đó, trẻ mắc viêm màng não sẽ phải chịu các di chứng cụ thể. Sau viêm màng não mủ, trẻ bị chẩn đoán, điều trị muộn sẽ đối mặt với các di chứng sau:
- Trẻ có thể bị lác, điếc, câm, mù, hội chứng não nước,…
- Tổn thương thần kinh khu trú gây liệt (liệt 1 chi, liệt nửa người, liệt hai chi dưới, tổn thương dây thần kinh sọ não,…)
- Giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần,…
- Động kinh.
- Tử vong.
Điều trị và phòng ngừa bệnh viêm màng não ở trẻ như thế nào?
Khi phát hiện thấy trẻ có những triệu chứng trên đây, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến khám tại các bệnh viện ngay. Nếu không được chữa trị kịp thời thì sẽ để lại những di chứng nặng nề về mặt tâm thần; liệt tay, chân; mù lòa; động kinh hoặc thậm chí là tử vong. Hơn nữa, các mẹ không được tự ý sử dụng thuốc để điều trị bệnh viêm màng não mà không có hướng dẫn của bác sĩ. Như vậy có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bé. Hoặc có thể sẽ gây khó khăn trong việc điều trị dứt điểm căn bệnh này.
Thông thường, đối với trẻ bị bệnh viêm màng não nghiêm trọng, các bác sĩ sẽ cân nhắc cho sử dụng kháng sinh thích hợp để chữa trị. Ba mẹ nên cho bé nghỉ ngơi tại bệnh viện trong khoảng thời gian ít nhất 10 ngày. Bé phải được các bác sĩ theo dõi và chăm sóc một cách tốt nhất. Ngoài ra, các mẹ nên đưa bé đi tiêm vaccine HIB để phòng ngừa căn bệnh viêm màng não. Số lượng liều tiêm vaccine còn tùy thuộc vào thể trạng, độ tuổi của trẻ và tư vấn của bác sĩ.
Bên cạnh đó, để phòng bệnh viêm màng não thì mẹ nên chăm bé cẩn thận khi giao mùa. Hãy cho bé tắm rửa, giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Ngoài ra, bạn cũng nên giữ ấm cho bé mỗi khi trời trở lạnh. Khi thấy trẻ có dấu hiệu của bệnh viêm mũi, tai, họng, cần tích cực chữa trị dứt điểm. Tránh để bệnh kéo dài trầm trọng và dẫn đến viêm màng não.