Gỏi là món ăn phổ biến và thường xuyên xuất hiện trong các bữa tiệc. Do đó, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy nhiều công thức salad khác nhau. Nếu bạn đang muốn tìm một món ăn ngon “đổi vị” cho cả nhà thì cách làm gỏi vịt bắp cải này sẽ giúp bạn đỡ lo. Nhưng thông thường, nguyên liệu chính của món gỏi là thịt lợn, thịt gà hoặc tôm. Nếu muốn món ăn lạ miệng hơn, bạn có thể thử món gỏi vịt với bắp cải và cà rốt. Đây là một trong những công thức làm gỏi ngon được nhiều bà nội trợ ưa thích. Cùng tham khảo bí quyết làm gỏi vịt ngon và trổ tài nhé!
Mục Lục
Món gỏi vịt bắp cải
Các nguyên liệu cần chuẩn bị để làm gỏi vịt bắp cải
- 1 con vịt nặng khoảng 1 kg.
- 1 cái bắp cải tươi khoảng 500g
- 1 củ hành tây
- 1 củ cà rốt
- 1 bó nhỏ rau húng quế
- 1 bó rau mùi
- 1 củ gừng tươi
- 100ml rượu trắng
- 5 củ hành tím
- 100g đậu phộng
Nguyên liệu làm nước trộn gỏi vịt
- 2 thìa canh nước mắm ngon
- 1 thìa canh đường
- 1 quả chanh tươi
Nguyên liệu làm nước mắm gừng
- 1 thìa canh nước mắm ngon
- 1 thìa cà phê đường trắng
- 2 nhánh nhỏ gừng tươi
- 3 tép tỏi khô
- 1 quả ớt tươi
- 1 quả chanh tươi
- 1 thìa cà phê bột ngọt
- 1 thìa canh nước sôi để nguội
Cách chọn vịt làm gỏi ngon
Để món gỏi vịt ngon, bạn nên chọn vịt đực vì thịt vịt đực thơm ngon hơn vịt cái. Nên chọn vịt trưởng thành, có trọng lượng từ 1 – 1,5 kg sẽ cho chất lượng thịt ngon nhất, lông vịt đã mọc đầy đủ nên không tốn nhiều thời gian sơ chế. Vịt quá non hoặc quá già đều không ngon bằng vịt trưởng thành, vì vậy bạn không nên mua.
Và để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cách tốt nhất là bạn nên tự mua vịt sống về sơ chế, không nên mua vịt đông lạnh hoặc vịt làm sẵn không còn tươi. Nếu mua vịt làm sẵn, bạn hãy chắc chắn sẽ chọn được những con có màu sắc tự nhiên, tươi sáng, phần da dày, ấn xuống thấy da có độ đàn hồi tốt và là vịt tươi.
Cách chọn mua bắp cải
– Bắp cải ngon thường cầm chắc tay, nặng cân, lá bện, cuốn chắc vào nhau, đầu bắp cải dày, khép kín, cuống nhỏ.
– Lá bắp cải có màu xanh nhạt, trắng xanh, với bắp cải tím thì màu tím đậm, lá giòn cứng.
– Không mua bắp cải có lá vàng, có đốm nâu trên lá, lõi bị nứt, cuống đã chuyển màu nâu vì có thể là bắp cải cũ, héo.
– Bắp cải xuất xứ Đà Lạt thường có màu xanh nhạt, không sáng bóng, có dạng hình dẹt, không tròn đều, kích cỡ không đồng nhất nhưng thường rất to.
Trong khi đó bắp cải xuất xứ Trung Quốc có màu xanh đậm, lá sạch, sáng, bóng loáng, bắp cải dạng tròn, kích cỡ nhỏ và đều nhau.
Cách làm gỏi vịt bắp cải ngon tại nhà
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu làm gỏi vịt bắp cải
- Vịt sau khi sơ chế, đem rửa sạch, dùng muối chà xát nhiều lần lên khắp mình vịt rồi rửa lại với nước. Tiếp đó, bạn cạo vỏ, đập dập, băm nhỏ một nhánh gừng rồi trộn đều với rượu trắng, chà xát lần nữa lên toàn bộ thân vịt để khử cho hết mùi hôi.
- Bắp cải bóc bỏ phần lá già, cắt làm 4 phần rồi thái hoặc bào sợi nhỏ, ngâm nước muối loãng rồi rửa sạch lại, vớt ra để ráo.
- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, dùng dao bào bào thành những sợi nhỏ.
- Hành tây bóc vỏ, rửa sạch, cắt khoanh thật mỏng, cho vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 20 phút cho hết mùi hăng và giòn hơn.
- Gừng cạo vỏ, rửa sạch, đập dập.
- Húng quế nhặt lá, rửa sạch, thái khúc.
- Rau mùi nhặt sạch, rửa sạch rồi thái nhỏ.
- Tỏi bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ.
- Đậu phộng rang chín, tách lớp vỏ lụa, cho vào cối giã dập.
- Hành tím 4 củ bóc sạch vỏ, bào lát mỏng rồi đem đi phơi cho hành hơi héo là được, củ còn lại đem nướng thơm rồi bóc hết lớp vỏ ngoài.
Bước 2: Luộc vịt
Cho vịt vào một cái nồi lớn, đổ nước ngập cả con vịt, thêm vào 1 nhánh gừng đập dập, 1 củ hành tím nướng và một thìa cà phê muối. Luộc trên lửa lớn cho sôi thì hạ lửa vừa, sau khoảng 25 – 30 phút thì dùng đũa xăm thử vào da vịt, nếu thấy vịt không chảy ra nước màu đỏ là vịt đã chín, vớt vịt ra ngâm ngay vào thau nước đá lạnh vài phút cho vịt trắng đẹp và có lớp da giòn rồi để ráo.
Chặt vịt thành những miếng vừa ăn (bạn có thể lọc phần thịt lườn và thịt đùi rồi thái thành từng miếng nhỏ).
Bước 3: Cách làm nước mắm trộn gỏi vịt
Bạn cho tất cả nguyên liệu làm nước trộn gỏi gồm: nước mắm, nước cốt chanh, đường, nêm nếm và điều chỉnh cho vừa khẩu vị ăn.
Bước 4: Phi hành
Bắc chảo lên bếp đun nóng, cho 1 thìa canh dầu ăn vào đun sôi thì trút hành tím phơi héo vào, phi thơm vàng. Sau đó, dùng rây lọc vớt hành ra và để thật ráo dầu, cho vào chén.
Bước 5: Làm nước mắm gừng
- Gừng cạo sạch vỏ, rửa sạch, đem thái sợi thật nhỏ
- Tỏi bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ.
- Chanh vắt lấy nước cốt, lọc bỏ hạt.
- Ớt rửa sạch, bỏ hạt, thái lát hoặc băm nhỏ.
Bạn cho đường trắng, bột ngọt vào chén, cho thêm nước sôi để nguội vào khuấy tan, tiếp theo thêm nước cốt chanh và nước mắm vào khuấy đều. Gừng thái sợi, tỏi băm, ớt băm cho vào sau cùng rồi khuấy đều là xong.
Bước 6. Trộn gỏi vịt bắp cải
Bạn cho bắp cải, cà rốt, hành tây, thịt vịt chặt nhỏ vào một cái âu lớn, tiếp theo đổ hỗn hợp nước trộn gỏi vào trộn đều. Cuối cùng cho rau mùi, húng quế vào trộn tiếp, để khoảng 10 – 20 phút cho gỏi thấm gia vị thì rắc hành phi và đậu phộng giã dập lên trên, trang trí vài cọng rau thơm cho đẹp mắt. Khi ăn có thể chấm thêm nước mắm gừng.
Những lưu ý khi làm gỏi vịt bắp cải
Khi làm món gỏi vịt, người ta thường tận dụng nồi nước luộc vịt để nấu cháo ăn kèm. Ngoài cách làm gỏi vịt bắp cải, bạn có thể biến tấu thay bằng rau càng cua. Bạn có thể chặt vịt bày ra đĩa riêng, trộn gỏi riêng rồi thưởng thức cùng nhau, không nhất thiết phải trộn chung thịt vịt với các loại rau củ.
Vậy là bạn đã hoàn thành món gỏi vịt khá hấp dẫn từ màu sắc cho đến mùi vị rồi. Với các thành phần rau củ tươi ngon như: cà rốt, bắp cải, rau thơm kết hợp với thịt vịt ngọt thanh khó cưỡng, đậu phông rang bùi béo… chắc chắn cả nhà bạn sẽ phải “ghiền” món ăn này vì quá hấp dẫn đấy. Chúc bạn thực hiện thành công!