Tuổi càng cao thì hiệu quả hoạt động của hệ tiêu hóa càng giảm, thế nên người cao tuổi thường mắc các bệnh về đường tiêu hóa, trong đó có bệnh táo bón. Bệnh táo bón ở người già là một trong những căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi, nó xảy ra khi phân di chuyển quá chậm trong ruột già vì một lý do nào đó, khiến phân hấp thụ nhiều nước hơn bình thường và trở nên cứng khi đến hậu môn. Căn bệnh này không chỉ mang đến nhiều đau đớn, bất tiện cho cuộc sống của người cao tuổi mà còn dễ gây ra bệnh trĩ, viêm đại tràng, ung thư đại tràng. Hãy cùng hcasp.com tìm hiểu về căn bệnh này ở người cao tuổi và cách phòng bệnh hiệu quả nhất qua bài viết dưới đây nhé!
Mục Lục
Nguyên nhân người cao tuổi mắc phải căn bệnh táo bón
Ăn ít chất xơ
Nguyên nhân đầu tiên gây ra chứng táo bón ở người cao tuổi phải kể đến là việc thay đổi chế độ ăn. Người cao tuổi thường có xu hướng ăn ít chất xơ hơn do khả năng nhai nuốt và tiêu hóa kém. Vì lượng chất xơ trong khẩu phần ăn giảm nên dễ dàng bị táo bón.
Ít vận động
Ở người cao tuổi, do rất nhiều lý do như tình trạng sức khỏe không đảm bảo, bị mắc các bệnh mạn tính như thoái hóa, viêm khớp, loãng xương; các bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường; các bệnh hô hấp mạn tính như tâm phế mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, do thói quen ít hoạt động hoặc thói quen nhịn đại tiện lâu. Việc giảm hoạt động thể chất dẫn tới giảm nhu động ruột, giảm bài tiết dịch ruột gây táo bón.
Uống ít nước
Người cao tuổi thường uống không đủ lượng nước hàng ngày. Việc này có thể do người cao tuổi bị các bệnh mạn tính như suy tim phải hạn chế nước nhưng cũng có thể do bệnh nhân bị mắc chứng tiểu đêm, bị u xơ tiền liệt tuyến nên hạn chế uống nước để đỡ đi tiểu tiện.
Do mắc bệnh trĩ
Khi bị trĩ, bệnh nhân thường có xu hướng nhịn đi đại tiện vì sợ đau và chảy máu. Khi nhịn đại tiện lâu và nhiều lần sẽ giảm phản xạ đại tiện. Từ đó gây tích trữ phân dẫn đến táo bón. Bệnh nhân càng bị táo bón, đi ngoài càng đau và càng dễ chảy máu, kết quả là bệnh nhân càng nhịn đi đại tiện và táo bón ngày càng tiến triển thành vòng luẩn quẩn.
Sau khi làm phẫu thuật ở bụng
Sau các phẫu thuật ở bụng thì sẽ xảy ra sự giảm nhu động ruột và cảm giác đau khi rặn dẫn đến bệnh nhân khó đại tiện kèm theo tình trạng phải ăn thức ăn tinh, ít chất xơ, lượng dịch bù không đủ làm phân khô lại, có trường hợp sờ thấy thành chuỗi cứng dọc theo khung đại tràng.
Một vài lý do khác
- Do thuốc đang được sử dụng để điều trị các bệnh mạn tính như thuốc kích thích beta-2 giao cảm. Nhóm thuốc này gây giảm nhu động ruột dẫn đến táo bón.
- Do nhu động đại tràng giảm: Các cơ trực tràng và cơ thành bụng yếu. Vì vậy, khả năng tống phân ra bị suy giảm.
- Các khối u, polyp của đại trực tràng.
- Do suy tuyến giáp: Các triệu chứng kèm theo thường là mạch chậm và phù niêm, ăn uống khó tiêu. Tuy nhiên nó không rõ rệt như ở người trẻ.
Dấu hiệu nhận biết bệnh táo bón ở người cao tuổi
Người già cần đặc biệt chú ý đế tình trạng sức khỏe của bản thân để sớm phát hiện ra bệnh lý và có biện pháp can thiệp đúng cách ngay từ sớm. Khi bị táo bón, người già sẽ đi đại tiện với số lần rất ít kèm theo các biểu hiện sau đây:
- Phân đào thải ra bên ngoài bị rắn cứng và vón cục, đôi khi có lẫn máu.
- Gặp căng thẳng khi đi đại tiện, phải dùng sức rặn để đẩy phân ra ngoài.
- Cảm giác đi đại tiện không hết, mót rặn và đau đớn.
Một số triệu chứng có liên quan là:
- Đau bụng, bụng phình to
- Cảm giác no bụng và chán ăn
- Chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu
- Hay mệt mỏi và cáu gắt
Thống kê y khoa cho biết, có khoảng 2/3 số người già trên 65 tuổi bị táo bón. Và bệnh này thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Nếu táo bón xảy ra không thường xuyên hoặc với mức độ không quá nghiêm trọng thì không cần quá lo lắng. Lúc này, người bệnh chỉ cần có các biện pháp cải thiện đơn giản tại nhà. Đồng thời chú ý chăm sóc bản thân đúng cách. Điều này sẽ giúp hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng táo bón, ngăn ngừa bệnh tái phát.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh táo bón ở người cao tuổi
Bên cạnh những khó chịu do bệnh táo bón gây ra, ở người cao tuổi còn có nhiều nguy cơ khác có thể nguy hại đến tính mạng nếu bị táo bón. Đây là các trường hợp bệnh nhân bị các bệnh tim mạch như suy tim, bệnh mạch vành nên phải hạn chế gắng sức. Nhiều trường hợp rặn nhiều do bị táo bón dẫn đến đột tử do nhồi máu cơ tim. Gắng sức nhiều khi đại tiện cũng có thể làm vỡ các phế nang (đã giãn to) ở các bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây tràn khí màng phổi. Táo bón cũng có thể là yếu tố nguy cơ ở người cao tuổi có tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, loạn nhịp tim,…
Cách điều trị và phòng ngừa táo bón cho người cao tuổi
Có nhiều phương pháp đơn giản để dự phòng và điều trị táo bón ở người cao tuổi. Cụ thể như sau:
- Đầu tiên là tập thói quen đi đại tiện vào đúng một giờ nhất định, tốt nhất là vào buổi sáng. Những ngày đầu có thể cứ rèn thói quen đi đại tiện dù có muốn đi hay không.
- Tiếp theo là điều chỉnh chế độ ăn uống. Tạo một chế độ ăn đầy đủ về lượng; đảm bảo nhiều chất xơ như rau xanh, nguồn vitamin từ rau củ quả tươi. Uống đủ lượng nước theo nhu cầu.
- Vào buổi sáng, khi dạ dày rỗng, nên uống một cốc nước ấm hoặc nước có pha mật ong để kích thích nhu động ruột.
- Thường xuyên uống nước, không nên chờ có cảm giác khát mới uống. Vì cảm giác khát ở người cao tuổi có thể bị suy giảm.
- Nên cố gắng tăng cường các hoạt động thể chất phù hợp với sức khỏe. Việc này sẽ giúp tăng cường trương lực cơ bụng. Hàng ngày, nên tập cơ bụng bằng cách xoa. Hãy xoa từ hạ sườn phải sang hạ sườn trái xuống hố chậu trái để tăng cường nhu động ruột.
- Cần điều trị tốt các bệnh mạn tính kèm theo hoặc các bệnh là nguyên nhân gây táo bón như suy giáp.
- Bên cạnh đó, người cao tuổi nên chú ý tới tác dụng phụ gây táo bón của một số loại thuốc như thuốc giãn phế quản.
- Luôn giữ cho tinh thần được sảng khoái, vui vẻ, giảm stress.
- Có thể sử dụng các loại thuốc nhuận tràng giúp cho việc đại tiện được dễ dàng hơn. Nếu táo bón quá nặng phải dùng phương pháp thụt tháo để tống phân ra ngoài.